Bạn đã biết cách chăm sóc răng miệng cho bé yêu

Ai cũng luôn mong muốn bé yêu của mình có được hàm răng chắc khỏe, trắng bóng và biết cách tự vệ sinh răng miệng.

Trong khi đó, cuộc sống bộn bề khiến chúng ta có ít thời gian dành cho bé yêu, đôi khi chưa quan tâm và chăm sóc đúng mức răng miệng cho bé.


Bệnh răng miệng- Bạn có biết?

80% vi khuẩn gây bệnh răng miệng không nằm trên răng, bàn chải đánh răng thường không thể làm sạch được những vùng khó tiếp cận trong khoang miệng.

Mặt khác, trẻ nhỏ thường chưa biết chải răng đúng cách, các bé hay ăn quà vặt, bánh kẹo, uống sữa hàng ngày (dễ tạo mảng bám), môi trường sống ô nhiễm,… sẽ dẫn tới sâu răng, mủn răng và các bệnh răng miệng, họng. Hầu hết các bậc cha mẹ lại chưa có thói quen kiểm tra tình trạng răng miệng của con; chỉ đến khi bé bị viêm lợi nặng, đau răng, chảy máu chân răng, sâu răng chúng ta mới đưa con đến Nha sỹ.

Chớ coi thường các biểu hiện lạ về răng miệng ở trẻ !!

Trẻ thường bị sâu răng, đốm màu sậm như cà phê gây đau nhức, khó nhai, sốt ; viêm lợi, đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu chân răng, hôi miệng… lâu dần có thể dẫn tới các biến chứng như: Viêm tủy răng, hoại tử, áp xe răng gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và học tập của trẻ, chi phí điều trị bệnh răng miệng thường rất cao, khiến các bậc cha mẹ không ít lo lắng.

Cần làm gì để chăm sóc răng miệng cho trẻ?

Nhắc nhở bé hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của ý thức bảo vệ sức khỏe răng miệng ngay từ sớm, giữ gìn vệ sinh ăn uống, hạn chế dùng đồ ngọt, đồ nóng, lạnh và nên kiểm tra định kỳ tình trạng răng miệng cho bé. Ngoài việc hướng dẫn trẻ đánh răng hàng ngày, các bậc cha mẹ nên kết hợp sử dụng nước súc miệng cho bé vì dung dịch nước súc miệng có thể vào sâu tận các khe răng, các vùng mà bàn chải đánh răng khó tiếp cận, giúp cuốn trôi mảng bám, làm sạch răng miệng hiệu quả!

Nước súc miệng nào an toàn cho bé?

Vấn đề an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu đối với các sản phẩm chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ.

Nước muối chứa Natri chlorid có tác dụng sát khuẩn chống viêm tốt, an toàn, được sử dụng khá phổ biến để phòng ngừa một số bệnh răng miệng; nhưng chưa đủ để chăm sóc răng miệng toàn diện cho trẻ nhỏ.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc răng miệng cho trẻ, công ty Traphaco – thương hiệu dược phẩm hàng đầu Việt Nam đã nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường nước súc miệng trẻ em T-B Kid  - sự kết hợp tối ưu 3 thành phần được các Nha sỹ tin dùng: Natri chlorid - sát khuẩn, Xylitol - ngừa sâu răng, Natri fluorid – giúp răng chắc khỏe. Với nước súc miệng T-B Kid, bé dễ dàng sử dụng để làm sạch cặn bám trên răng. Đặc biệt, bé được ngăn ngừa sâu răng, mủn răng và các bệnh răng, miệng, họng.

Nước súc miệng T-B Kid được nghiên cứu và sản xuất dành riêng cho trẻ nhỏ, hương vị hấp dẫn, an toàn, không gây hại nếu bé lỡ nuốt. Các bậc cha mẹ nên tạo cho bé thói quen đánh răng kết hợp với sử dụng nước súc miệng hàng ngày để chăm sóc răng miệng hiệu quả.

Sản xuất bởi: Công ty cổ phần Traphaco, 75 Yên Ninh – Ba Đình – Hà Nội. ĐT: (04) 38430076. Website: http://www.traphaco.com.vn

Nước súc miệng trẻ em T-B Kid hiện có bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc.


Hẹp bao qui đầu

Xử trí khi trẻ bị nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng thường gặp ở trẻ. Muốn xử trí tốt hiện tượng này trước hết phải tìm rõ nguyên nhân của nó.

Nôn: hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đưa hết ra ngoài do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng.

Trớ: hiện tượng một lượng thức ăn bị trào ra khỏi miệng ngay sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn. Đây là hiện tượng sinh lý trong vòng 6 tháng đầu không cần phải điều trị.

Các nguyên nhân

Nôn là triệu chứng của một số bệnh:

Ngoài triệu chứng nôn trẻ còn có các triệu chứng khác đặc trưng của từng bệnh, đây là những trường hợp nôn đột xuất không phải thường xuyên.

- Nôn trong một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, ngoài triệu chứng nôn trẻ thường kèm theo: sốt, ho, khó thở.

- Nôn trong ỉa chảy cấp: ngoài nôn trẻ kèm theo tiêu chảy, mất nước.

- Nôn trong các bệnh não màng não, viêm màng não mủ, u não, áp xe não: ngoài nôn trẻ kèm theo các triệu chứng: co giật, sốt, hôn mê, thóp phồng (trẻ dưới 12 tháng).

- Nôn trong ngộ độc thức ăn: trẻ kèm theo đi ỉa, đau bụng, dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

- Nôn trong các bệnh ngoại khoa: tắc ruột, lồng ruột: ngoài dấu hiệu nôn trẻ kèm theo cơn khóc thét do đau bụng, bụng chướng, bí trung, đại tiện, hoặc đi ngoài ra máu trong lồng ruột.

- Nôn do hẹp ruột bẩm sinh, phì đại môn vị hẹp thực quản: Nôn xuất hiện sớm trong vòng 1 tuần đầu sau khi sinh, hầu như bữa nào cũng nôn, nôn ngay sau khi ăn hoặc 1 vài giờ, cần được phát hiện sớm để điều trị bằng phẫu thuật.

Nôn thường xuyên:

Ngoài triệu chứng nôn trẻ không có các triệu chứng khác kèm theo thường do các nguyên nhân sau:

Sai lầm về ăn uống: Ăn quá nhiều, quá no; do trẻ nuốt quá nhiều không khí khi ngậm vú giả hoặc bú bình không nghiêng cho sữa ngập cổ bì; ăn xong đặt trẻ nằm ngay; do quấn tã bụng quá chặt; do rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn co bóp dạ dày.

Xử trí khi trẻ bị nôn

Nếu trẻ nôn đột xuất và kèm theo các triệu chứng khác của từng bệnh thì phải đưa ngay trẻ đi bệnh viện.

Nôn do sai lầm ăn uống:

- Không ép trẻ ăn quá no.

- Khi bú chai: cầm nghiêng chai sữa 450 cho sữa ngập hết cổ chai sữa.

- Không cho trẻ ngậm đầu vú giả.

Nôn do rối loạn thần kinh thực vật:

- Sau khi ăn bế vác trẻ đứng thẳng 10 - 15 phút.

- Không quấn rốn quá chặt.

Dùng thuốc ức chế co thắt dạ dày:

- Cồn Benando: 1 - 3 giọt/ngày.

- Atropin dung dịch 1/1000: 2 giọt trước khi ăn.

- Gacdenan: 0,01g x 4 lần/ngày.

Cần theo dõi trọng lượng của trẻ nếu không tăng cân hoặc sụt cân cần đưa khám bác sĩ để kiểm tra lại chẩn đoán.

 ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Chứng tiêu chảy ở trẻ em

Phòng bệnh lỵ ở trẻ em

(suckhoedoisong.vn) - Lỵ là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Khác với người lớn, lỵ ở trẻ em có diễn biến cấp tính và thường rất nặng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa hè và mùa mưa lũ. Bệnh có nguy cơ lây cao ở những vùng không được dùng nguồn nước sạch và ở trẻ em do chưa có ý thức về vệ sinh.

Tác nhân gây bệnh

Do vi khuẩn shigella, có 4 chủng (Shigella dysenterias - nhóm A, S.flexneri - nhóm B, S.boydii - nhóm C, S.sonnei-nhóm D), vi khuẩn dài, hình que ngắn (nên gọi trực trùng), gram (-), không di động. Dễ nuôi trong môi trường thạch ở nhiệt độ 37 độ. Trực khuẩn lỵ có thể sống ở đất được vài tháng, ở ruồi nhặng 2 - 3 ngày, ở đồ chơi, đồ dùng, giường chiếu được vài ngày, ở sữa và chế phẩm của sữa còn có khả năng phát triển mạnh hơn.

 Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 600.000 bệnh nhân tử vong do lỵ trực khuẩn. 2/3 số trường hợp mắc và tử vong là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh hay gặp ở nơi đông người, vệ sinh kém: trung tâm nuôi dưỡng trẻ, trại mồ côi, vùng lũ lụt.

Lỵ dễ bị chết nếu phơi ở ánh nắng mặt trời, nếu đun sôi sẽ chết trong 10 phút. Vi khuẩn lỵ có khả năng sinh sôi và gây bệnh rất mạnh. Chỉ cần 10 - 100 trực khuẩn là có thể gây bệnh ở người.

Dễ lây lan thành dịch

Có 2 phương thức lây truyền trực tiếp và gián tiếp. Lây trực tiếp là lây từ người bị bệnh sang người lành hoặc do tay bị nhiễm khuẩn. Những người có nguy cơ lây cao như không rửa tay sau khi đi ngoài, để móng tay dài, không rửa tay trước khi ăn . Yếu tố lây nhiễm qua trung gian như đồ dùng chung, thực phẩm, nước uống (hay tắm ao hồ nhiễm trực khuẩn), ruồi nhặng...

Trực khuẩn lỵ từ miệng qua dạ dày, tại đây một số bị diệt bởi dịch vị, số còn lại qua ruột non đến ruột già bám dính vào niêm mạc, xâm nhập qua niêm mạc và gây bệnh. Tất cả mọi người đều có tính cảm nhiễm với bệnh. Trẻ em nhất là trẻ suy dinh dưỡng nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Những dấu hiệu của bệnh

Thời kỳ ủ bệnh từ 12 đến 96 giờ. Sau đó khởi phát thường đột ngột với các triệu chứng sau:

Nếu nhẹ, đau bụng từng cơn, buồn đi ngoài (lúc đầu phân lỏng về sau nhớt nhầy, mủ) 10 - 15 lần/ngày. Nặng thì có biểu hiện đau quặn bụng từng cơn, mót rặn dữ dội. Trẻ khóc từng cơn khi đi ngoài, phân lỏng, đi nhiều lần, số lượng ít, phân có nhày, có khi phân toàn máu “như nước rửa thịt” hoặc màu “máu cá”. Có khi phân nhày như mủ và rất tanh.

 Trực khuẩn lỵ Shigella.

Có sốt, nhẹ thì 38 - 39oC, nặng thì 40 - 41oC, có khi sốt cao gây co giật. Biểu hiện khác: tăng urê huyết, hạ natri và đường huyết, bất thường ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tri giác, tư thế bất thường...). Ít phổ biến hơn có thể gặp viêm khớp phản ứng, đau nhức toàn thân, nước tiểu có albumin. Có thể có sốc, hôn mê (đặc biệt trong thể lỵ nhiễm độc do S. shigae).

Xét nghiệm có giá trị nhất để phát hiện trực khuẩn lỵ là cấy phân để xác định căn nguyên gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Soi phân tươi tìm hồng cầu và bạch cầu trong phân, định týp huyết thanh chỉ có giá trị nghiên cứu, đặc biệt trong mùa dịch. Xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng cao. Các xét nghiệm khác đánh giá mức độ rối loạn nội môi: điện giải đồ, protit, ure, creatinin, khí máu.

Cần chú ý phân biệt với các bệnh tiêu chảy ở trẻ em như tiêu chảy do virut, do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, lỵ amip, E. coli và lồng ruột...

Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh hằng ngày

Phát hiện sớm và điều trị triệt để là biện pháp quan trọng tránh cho bệnh lây lan thành dịch hoặc trở thành ổ chứa mầm bệnh. Để phòng lỵ ở trẻ em, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ cần được chú trọng hàng đầu như: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; cắt ngắn móng tay, không phóng uế bừa bãi; vệ sinh thức ăn, nước uống: ăn chín, uống sôi, bảo quản thức ăn tốt; cắt đường lây truyền trung gian gây bệnh (diệt ruồi, nhặng); nếu bị bệnh, cần được điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ và cần được cách ly 10 - 15 ngày.

Nếu bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, cần báo ngay với cơ quan kiểm dịch tại địa phương.            

  BS.Nguyễn Thị Phương Anh

Phòng và trị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ nhỏ do viêm tắc các đường hô hấp nhỏ (hay còn gọi là tiểu phế quản). Bệnh xuất hiện trong 2 năm đầu, với tần suất cao nhất vào 6 tháng tuổi và ở nhiều nơi bệnh là một trong những nguyên nhân thường xuyên làm trẻ phải nhập viện.

 

Bệnh xuất hiện quanh năm, cao nhất vào mùa đông và đầu mùa xuân, có thể xuất hiện lẻ tẻ, đôi khi thành dịch. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt, những trường hợp nặng gây suy hô hấp có thể bị tử vong.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trẻ nào dễ mắc bệnh?

 

Tác nhân viêm tiểu phế quản ở trẻ thường là do các virut như: virut hợp bào hô hấp (VRS), chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.

Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virut hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ đang ở tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ.

Ngoài ra, các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, không khí ô nhiễm, nhà ở ẩm thấp, chật chội, hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm tiểu phế quản.

 Virut Respiratoire Syncytial (VRS) - virut hợp bào hô hấp gây viêm tiểu phế quản .

Dấu hiệu để nhận biết

Viêm tiểu phế quản là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3 - 6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở.

Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất là tình trạng trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Bạn nên lưu ý vì sốt không phải triệu chứng đặc trưng của bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ viêm tiểu phế quản không bị sốt hoặc chỉ bị sốt nhẹ. Trẻ có thể xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Khi ấy, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, thậm chí ngừng thở, bú kém, hay bị nôn trớ. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày sau đó giảm dần rồi khỏi hẳn. Cá biệt có một số trường hợp ho sẽ kéo dài hơn.

Viêm tiểu phế quản là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp nặng ở trẻ nhỏ đặc biệt là các nước u - Mỹ vì bệnh có khả năng trở thành dịch lớn. Ở Hoa Kỳ: 120.000 trẻ nhập viện vì viêm tiểu phế quản hằng năm. Ở Việt Nam, theo một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đây cũng là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, với một con số ước tính khoảng 40% số ca bệnh nhi phải điều trị tại các khoa hô hấp.

Biến chứng nào có thể xảy ra?

Nếu không được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi - trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

Bệnh sẽ có biến chứng nặng hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Điều trị và phòng bệnh

Với các trường hợp nhẹ chỉ cần chăm sóc tại nhà: tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và làm loãng đờm. Có thể nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Để giảm ho, long đờm cho bé có thể sử dụng mật ong hấp với quả quất còn xanh hoặc mật ong hấp lá hẹ. Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, cần đưa bé tới bác sĩ khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 Hình ảnh viêm tiểu phế quản xơ hóa tắc nghẽn trên phim chụp Xquang.

Những trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái... hoặc có các yếu tố nguy cơ như trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, có bệnh tim phổi bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch thì cần nhập viện.

Để phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá, mầm bệnh.

Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị cảm lạnh cũng như các trẻ bệnh khác. Cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ (vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp). Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày.

Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô.

 BS. Nguyễn Duy Quang

Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Sốt xuất huyết (SXH) được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người, trong đó trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết chiếm khoảng 70%. Trẻ em tử vong do bệnh SXH vẫn còn rất cao, nhất là những trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue nặng. Để cải thiện đáng kể tình trạng tử vong do bệnh SXH, việc chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh SXH tại nhà cần phải được chú trọng vì cho đến thời điểm hiện nay SXH chưa có thuốc đặc trị và vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa.


Đối tượng trẻ em mắc bệnh SXH được chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà

Theo báo cáo từ Cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2012 cả nước ghi nhận khoảng 23.200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong phần lớn là trẻ em.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2009, bệnh SXH gồm 3 phân độ lâm sàng cơ bản sau đây:

Phân độ 1: sốt xuất huyết Dengue.

Phân độ 2: sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Phân độ 3: sốt xuất huyết Dengue nặng.

Việc xử trí và điều trị bệnh SXH tùy thuộc từng phân độ lâm sàng theo phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí bệnh sốt xuất huyết” do Bộ Y tế ban hành ngày 16/2/2011.

Người lớn hoặc trẻ em nếu được chẩn đoán là bị sốt xuất huyết Dengue (phân độ 1), hầu hết đều được bác sĩ chỉ định theo dõi và chăm sóc tại nhà, ngoại trừ những trường hợp sau đây:

- Người mắc bệnh sốt xuất huyết là phụ nữ đang mang thai.

- Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết là trẻ nhũ nhi (trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi).

- Sốt xuất huyết Dengue ở người cao tuổi đang mắc các bệnh mạn tính như hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, suy tim, suyễn…

- Người mắc bệnh sốt xuất huyết sống neo đơn hoặc ở quá xa các cơ sở y tế.

Tất cả 4 nhóm đối tượng trên mặc dù chỉ bị sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân vẫn được khuyến cáo cho nhập viện để theo dõi vì sự an toàn cho người bệnh.

Chăm sóc đúng cách trẻ mắc SXH tại nhà                  

Chăm sóc đúng cách trẻ mắc bệnh SXH tại nhà cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau đây:

Hạ sốt đúng cách cho trẻ: cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ.

Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bao gồm:

- Cho trẻ uống nhiều nước: bằng nhiều loại nước uống khác nhau như nước lọc, nước sôi nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo… và khuyến cáo trẻ nên uống nước oresol (nước biển khô).

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.

- Tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ.

Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời: phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời. Các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH cần chú ý:

- Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng.

- Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi.

- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây:

- Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.

- Không tự ý cho trẻ uống thuốc aspirine hoặc ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.

-  Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

- Không cho trẻ SXH truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống trẻ.

ThS.BS ĐINH THẠC

Hội chứng asperger

Thuốc điều trị khò khè do virut ở trẻ

Khi không có các bất thường cấu trúc đường thở, nhiễm virut đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp khò khè ở trẻ em, trong đó, hợp bào hô hấp là loại virut thường gặp nhất. Do thiếu những phương pháp điều trị đặc hiệu virut nên việc điều trị khò khè do virut ở trẻ em là không có sự khác biệt giữa các loại virut. Nói chung, các phương pháp điều trị này phần lớn được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm của các thầy thuốc.

Thuốc giãn phế quản: Là nhóm thuốc được dùng rất phổ biến trong điều trị khò khè ở trẻ em, tuy nhiên, việc sử dụng chúng một cách thường quy vẫn còn nhiều tranh cãi và nhiều nghiên cứu đã không tìm ra những bằng chứng khách quan về lợi ích của chúng. Salbutamol (albuterol) là thuốc được sử dụng rộng rãi nhất cho chỉ định này, tuy nhiên, các bằng chứng y học về hiệu quả điều trị của thuốc không hằng định. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ đã chỉ ra lợi ích của salbutamol đường khí dung trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut ở trẻ em dưới 2 tuổi với việc cải thiện triệu chứng và nồng độ ôxy trong máu. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại không tìm thấy tác dụng ổn định của salbutamol trong chỉ định này.

 

Phần lớn các nghiên cứu đều nhận thấy sự cải thiện triệu chứng bệnh xảy ra nhanh chóng sau dùng thuốc nhưng phần lớn những sự cải thiện này đều không kéo dài quá 60 phút. Tóm lại, lợi ích của salbutamol trong điều trị viêm tiểu phế quản là không hằng định, do đó, cần theo dõi sự đáp ứng của từng cá thể và ngưng sử dụng nếu không có sự cải thiện rõ rệt. Adrenalin (epinephrine) cũng là một thuốc giãn phế quản được sử dụng khá thường xuyên trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut có tắc nghẽn đường thở. Thuốc có nhiều tác dụng phụ như gây nhịp tim nhanh, run chân tay, hạ kali máu, hạ đường máu..., do đó, không được sử dụng trong điều trị ngoại trú tại nhà.

 

 Nhiễm virut đường hô hấp cấp tính là nguyên nhân của nhiều trường hợp khò khè ở trẻ.
Cũng giống với salbutamol, không có những bằng chứng rõ rệt chứng minh hiệu quả của adrenalin trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut. So sánh với salbutamol khí dung, một số nghiên cứu đã nhận thấy ưu điểm vượt trội của adrenalin trong việc giảm mức độ khó thở và nguy cơ nhập viện. Tóm lại, những bằng chứng y học có được cho đến nay không ủng hộ việc sử dụng thường quy salbutamol và adrenalin trong điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, thay vào đó là sự lựa chọn sử dụng cho từng người bệnh. Việc điều trị chỉ nên tiếp tục nếu nhận thấy có sự cải thiện trên lâm sàng, ngược lại, khi không có sự cải thiện cần ngưng điều trị để tránh các tác dụng phụ.

Thuốc kháng cholinergic: Các dẫn xuất kháng cholinergic như ipratropium bromide... không được tìm thấy có hiệu quả trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut. Một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả của ipratropium đơn thuần hoặc phối hợp với salbutamol chỉ tìm thấy những sự cải thiện nhỏ của nồng độ ôxy máu nhưng không tìm thấy lợi ích rõ rệt và ổn định đối với diễn biến và tiên lượng của bệnh.

Kháng sinh: Mặc dù kháng sinh không có tác dụng đối với virut nhưng nhóm thuốc này vẫn được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Khảo sát ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, 34 - 99% số trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut vẫn được dùng kháng sinh. Lý do sử dụng kháng sinh thường do trẻ có sốt và rất khó để phân biệt nguyên nhân sốt là do nhiễm vi khuẩn hay nhiễm virut. Nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn ở những trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut dao động trong khoảng 0,2-26%. Nói chung, kháng sinh được khuyến cáo dùng trong điều trị viêm tiểu phế quản do virut chỉ khi có bằng chứng rõ ràng của việc bội nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp đó, việc sử dụng kháng sinh không có khác biệt so với những trường hợp không có viêm tiểu phế quản.

Thuốc kháng leukotriene: Các bằng chứng thực nghiệm ở động vật cho thấy các leukotriene được giải phóng khi có tình trạng nhiễm virut cũng như phản ứng viêm và tình trạng tăng tính phản ứng đường thở. Điều này gợi ý các thuốc kháng leukotriene có thể có một vai trò trong điều trị viêm tiểu phế quản cấp do virut. Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong những năm qua đã phần nào khẳng định hiệu quả của tiếp cận điều trị này trong thực tế.

 

Theo những nghiên cứu này, montelukast (một dẫn xuất kháng leukotriene), giúp tăng số ngày không triệu chứng và giảm triệu chứng ho về ban ngày so với giả dược khi được dùng điều trị kéo dài trong và sau đợt cấp của viêm tiểu phế quản do virut. Nói chung, hiệu quả của montelukast ở trẻ nhỏ rõ rệt hơn so với các trẻ lớn, điều này được cho là do sự khác biệt trong sản xuất leukotriene liên quan đến tuổi. Hiện nay, vai trò dự phòng viêm tiểu phế quản khi được dùng trước mùa virut của các thuốc kháng leukotriene là vấn đề vẫn đang cần được nghiên cứu tìm lời giải.            

  BS.Nguyễn Hữu Trường (BV Bạch Mai)

Cẩn thận khi trẻ mắc bệnh sởi, quai bị, rubella

Sởi, quai bị và Rubella là ba loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra từ người bệnh lúc người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi. Với ba loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, ở những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh xảy ra có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trẻ cần tiêm vaccin để phòng ngừa sởi, quai bị, rubella. Ảnh minh họa

Dễ lây lan và biến chứng nguy hiểm

Thực tế, nhiều người còn thiếu hiểu biết và rất chủ quan với căn bệnh này nên dẫn tới những trường hợp bệnh nặng, thậm chí tử vong đáng tiếc. Điển hình gần nhất là trường hợp một bé trai hơn 2 tuổi trong tình trạng toàn thân nổi ban đỏ, sốt cao và bé rất mệt mỏi. Mẹ bé cho biết bé bị bệnh sởi, vì gia đình sợ bé ra gió sẽ nặng thêm nên lúc nào cũng ủ kín bé. Sau khi được tư vấn gia đình mới hiểu do chăm sóc sai nên bé mới bị nặng thêm.

Hiện nay sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em vì khả năng lây nhiễm khá cao trong cộng đồng và có khả năng tạo thành dịch lớn. Khi nhiễm bệnh thì sẽ có nhiều tác động bất lợi trên sức khỏe trẻ. Nguy hiểm nhất là những biến chứng các bệnh này để lại như viêm não, viêm phổi, viêm tinh hoàn ở trẻ nam, viêm buồng trứng ở bé gái, viêm khớp hoặc hội chứng rubella bẩm sinh làm trẻ sinh ra bị rất nhiều dị tật trên cơ thể như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh và kém phát triển. Ngoài ra, sởi được xem là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ em, quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới.

Nhận biết bệnh

Hầu hết khi trẻ mắc bệnh sởi, quai bị và rubella có triệu chứng giống nhau như sốt, ho, đau nhức. Bệnh sởi sẽ xuất hiện ban dạng sẩn đầu tiên là ở sau tai sau đó lan đến mặt rồi lan dần xuống bụng và toàn thân. Sau khi hết sẽ để lại vết thâm trên da. Nổi ban dày và màu nhạt hơn ban sởi là bệnh rubella, bên cạnh đó kèm theo tình trạng sưng hạch, đau khớp. Quai bị thường bị sưng tuyến mang tai, gây đau nhức khi nhai và sưng tinh hoàn.

Riêng đối với trẻ có hội chứng rubella bẩm sinh thường có những dấu hiệu như đục thủy tinh thể và giảm thính giác nhưng chỉ có thể nhận thấy từ 2 - 4 năm sau.

Tiêm ngừa phòng bệnh

Khi trẻ nhiễm bệnh có dấu hiệu sốt trên 38,50C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ ho có thể cho uống thuốc giảm ho. Về chế độ ăn uống, phải đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ uống thêm nhiều nước đặc biệt là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C. Hạn chế cho trẻ vận động thể lực mạnh như chạy nhảy, đùa giỡn. Ngoài ra, phải giữ vệ sinh tốt cho trẻ để tránh nhiễm thêm vi trùng, tuyệt đối không nên ủ kín hoặc kiêng tắm khi trẻ bị sởi bởi sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Bên cạnh đó cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ và cách ly trẻ lành với người bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella cho trẻ hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay đã có vắc-xin 3 trong 1 (một mũi tiêm chứa cả 3 thành phần sởi, quai bị và rubella) giúp phòng ngừa các bệnh này. Trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi có thể tiêm ngừa để phòng tránh hiệu quả các bệnh này.

ThS. BS. ĐINH THẠC

Cải thiện và phòng tránh tật khúc xạ ở trẻ em

Theo điều tra của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, tỷ lệ tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị... ngày càng gia tăng, từ 2,5% trong năm 2002 lên 25%-30% năm 2007, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi đến trường và tập trung ở các đô thị. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 40% học sinh phổ thông mắc các tật khúc xạ...

Tật khúc xạ ảnh hưởng đến 2,5 tỷ người (khoảng 20% dân số) trên toàn thế giới. Ở nước ta tỷ lệ mắc tật khúc xạ ngày càng tăng ở trẻ với khoảng 3 triệu trẻ em trong cả nước cần đeo kính. Đặc biệt, học sinh thành thị mắc tật khúc xạ có tỷ lệ rất cao, chiếm tới 40% - 50% số học sinh, trong khi tỷ lệ học sinh ở nông thôn bị tật khúc xạ chỉ chiếm khoảng 15%. Không có gì ngạc nhiên khi con số thống kê cho biết 79% các em bị tật khúc xạ là cận thị. Nhẩm tính ra tiền kính, tiền thuốc, tiền khám bệnh mỗi cháu cũng gần đến tiền triệu.

 

Chưa kể những bất tiện cho trẻ đeo kính, nguy cơ tiềm tàng về tai nạn do mắt kính, gọng kính và các biến chứng khác. Tính phổ biến của tật khúc xạ, gánh nặng chi phí, nguyên nhân phức tạp, hiệu quả điều trị không cao... đã làm hệ thống y tế và cả xã hội bối rối mà chưa biết tháo gỡ từ đâu. Để kiểm soát được tật khúc xạ, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận đúng đắn về trục bệnh lý: tật khúc xạ- lác- nhược thị, mối quan hệ nhân quả và những việc cần làm ngay vì lợi ích của trẻ.

Phát hiện sớm bất thường chức năng nhìn của trẻ

Nhìn chung mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt... Trong lớp học, trẻ không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và có phương hướng điều trị thích hợp.

Chức năng của mắt là giúp cho chúng ta nhìn rõ được những vật ở xung quanh. Mắt bình thường (hay còn gọi là mắt chính thị, mắt không có tật khúc xạ) là mắt có hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc và chỉ khi đó thì vật mới được nhìn rõ. Khi mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đi từ ngoài vào mắt đúng trên võng mạc thì gọi là mắt có tật khúc xạ. Đây là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, cần nhận biết và có biện pháp khắc phục sớm.

Cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn, khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng. Cận thị có thể là bẩm sinh hay mắc phải. Điều chỉnh mắt cận thị là đeo kính phân kỳ để giúp cho ảnh của vật rơi đúng vào võng mạc và khi đó vật sẽ được nhìn rõ.

Viễn thị ngược lại với mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía sau của võng mạc. Người bị viễn thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Điều chỉnh mắt viễn thị bằng đeo kính hội tụ để kéo ảnh của vật về đúng trên võng mạc. Cần lưu ý là mắt viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm.

Loạn thị là mắt có các kinh tuyến khúc xạ không đều nhau. Vật nhìn không in hình rõ nét trên võng mạc và người bệnh nhìn mờ cả xa và gần. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T... Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận thị hay viễn thị. Điều chỉnh mắt loạn thị bằng cách đeo kính trụ.

Lệch khúc xạ là hiện tượng có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt có thể là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn.

Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có phương hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra trẻ phải tuân thủ đầy đủ chế độ vệ sinh học đường như tư thế ngồi học, bàn ghế, bảng đen, ánh sáng phòng học, chế độ giải lao vui chơi và dinh dưỡng hợp lí để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn.

 

Đây là mẫu, bạn có thể sửa lại ảnh, màu nền, kích cỡ của bảng tùy theo nhu cầu.

Nhìn nhận đúng về lác mắt

Mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt...

Lác mắt là hiện tượng lệch trục nhãn cầu biểu hiện bằng độ lác khi quan sát thấy. Đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn gây ra nhược thị và rối loạn thị giác hai mắt đi kèm. Lác có thể là lác trong (khi nhãn cầu lệch vào trong), lác ngoài (khi nhãn cầu lệch ra ngoài) hay lác đứng (khi nhãn cầu lệch lên trên hoặc xuống dưới). Khi mắt bị lác, hai mắt sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau và sẽ bị nhìn hai hình. Lúc đó não sẽ xoá bỏ hình ảnh của mắt lác ức chế không cho mắt này nhìn và gây ra nhược thị. Vì vậy, người bệnh sẽ mất khả năng nhìn bằng hai mắt đồng thời sẽ không có được thị giác hai mắt. Bất cứ trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên xuất hiện lác cần phải coi là nghiêm trọng và phải được đưa đi khám ngay.

Điều trị lác có 3 bước liên quan chặt chẽ với nhau là: điều trị nhược thị, điều trị thẳng trục nhãn cầu để hết lác và điều trị phục hồi thị giác hai mắt. Thời gian điều trị lác càng sớm càng tốt, điều trị sớm không những rút ngắn thời gian điều trị mà còn tăng cường hiệu quả điều trị và nâng cao cơ hội phục hồi thị giác hai mắt. Các phương pháp điều trị khác nhau như: đeo kính, bịt mắt tập chỉnh quang, điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật... Ngoài ra, trẻ sau khi điều trị khỏi lác vẫn cần phải theo dõi lâu dài và duy trì kết quả điều trị đã đạt được.

Nhược thị và khiếm thị

Nhược thị là hiện tượng mắt kém ở một hoặc hai bên do các nguyên nhân khác nhau như: lác mắt, do tật khúc xạ hay một số bệnh lí tại mắt. Tuy nhiên nhược thị có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng. Các phương pháp điều trị nhược thị có thể là đeo kính, bịt mắt lành, tập chỉnh quang hay phẫu thuật...

Khác với nhược thị, khiếm thị là một tình trạng khiếm khuyết về chức năng của cơ quan thị giác gây ra bởi các bệnh mắt bẩm sinh, di truyền hay mắc phải, do chấn thương mắt trong cuộc sống... mà không thể điều trị khỏi được bằng các phương pháp điều chỉnh khúc xạ, bằng thuốc hay bằng phẫu thuật. Phương pháp điều trị đối với trẻ bị khiếm thị là sử dụng các phương tiện trợ thị thích hợp để giúp cho trẻ có thể tận dụng một cách hữu ích nhất phần thị lực còn lại để có thể hoà nhập với cuộc sống cộng đồng.  

Trong lúc chờ đợi những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, triệt để hơn thì việc quan tâm sát sao đến những bất thường thị giác của trẻ, có những hiểu biết nhất định để phối hợp tốt với các bác sĩ mắt khắc phục tật khúc xạ bằng kính thông thường thiết nghĩ vẫn là phương châm tốt cho tất cả mọi người.

 BS. Đỗ Quang Ngọc - BS. Hoàng Cương